Mạng lưới giao thông
Giao thông đường bộ Hà Giang gồm: Quốc lộ (Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, QL2, QL4 (4C, 4D, 4E) QL279, QL34, QL178, QL176); các tuyến đường này đã và đang dần được nâng cấp, nhất là các tuyến đường giao thông trọng điểm để thuận lợi trong việc phát triển Kinh tế - xã hội của tỉnh.
Định hướng phát triển đến năm 2020 :
- Đường vành đai nâng cấp: Hoàn chỉnh toàn tuyến vành đai 1 trên cơ sở hệ thống quốc lộ 4 (4C, 4D, 4E), quốc lộ 34; xây dựng thêm một số đoạn tuyến để thông tuyến liên tục; hoàn chỉnh vành đai 2 theo tuyến quốc lộ 279 hiện nay.
- Đường vành đai xây dựng mới: Hoàn chỉnh tuyến đường hành lang biên giới theo dự án đường biên giới do Bộ Quốc phòng đang triển khai; Xây dựng mới 2 đoạn tuyến trên hệ thống đường vành đai 1, bao gồm: đoạn nối từ Bảo Lạc (Cao Bằng) sang Mèo Vạc (Hà Giang) và đoạn từ Hà Giang sang Lai Châu.
- Hệ thống đường nan quạt: Nâng cấp cải tạo quốc lộ 2; Nâng cấp và kéo dài tỉnh lộ 176 từ tỉnh Tuyên Quang tới Bắc Mê để nối kết giữa vành đai 2 và vành đai 1; nâng cấp tỉnh lộ 176 từ huyện Bắc Mê, gắn kết các điểm dân cư vùng núi cao qua Yên Minh, Mèo Vạc rồi nhập với tuyến hành lang biên giới; nâng cấp tỉnh lộ 178 nối giữa đường vành đai.
- Hệ thống đường giao thông nội vùng: Tăng cường số lượng đường ra biên giới và tăng cấp hạng kỹ thuật gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch bố trí các điểm dân cư, hệ thống các cửa khẩu, các khu vực đường qua lại biên giới (lối mở), chợ đường biên, trạm biên phòng. Bảo đảm giao thông thuận lợi trong cả mùa mưa lũ và tính toán liên hoàn giữa đường tuần tra biên giới với hành lang biên giới; xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới bến xe đối ngoại theo cấp vùng, cấp tỉnh và mạng lưới bến xe cấp huyện.
- Giao thông đô thị: Ưu tiên hoàn chỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trong các đô thị, tạo điều kiện cho các đô thị phát triển nhanh, phát huy vai trò hạt nhân, đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
- Đường hàng không: Xây dựng mới cảng hàng không nội địa tại xã Tân Quang huyện Bắc Quang.
Mạng lưới cấp điện
Hà Giang là một trong những tỉnh có nguồn thủy năng tương đối phong phú, với việc hệ thống truyền tải và phân phối được quy hoạch và đầu tư đồng bộ đảm bảo thuận lợi, cung cấp đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Các trạm biến áp 220kV, 110kA và các đường dây 110kV vận hành tốt, ổn định.
Trạm biến áp 220kV:
- Trạm 220kV Hà Giang-1x125MVA-220/110kV (TP Hà Giang) nhận điện từ thủy điện Thái An và nguồn điện nhập khẩu của Trung Quốc, là trạm nguồn 220kV duy nhất cấp điện cho phụ tải của tỉnh.
- Trạm 220kV Thuận Hòa – 1x160MVA – 110/220kV (thủy điện Thái An công suất 2x41MW; Thuận Hòa 38MW); Nho Quế 2- 2x63MVA; Nho Quế3-1x130MVA; Nho Quế 1- 1x38MVA (hiện đang chuận bị thi công).
Các trạm biến áp 110 KV gồm có:
- Trạm 110kV Hà Giang (E22.1) 2x25MVA – 110/35/22kV cấp điện cho thành phố Hà Giang, các huyện Bắc Mê, Quản Bạ và một phần lưới điện huyện Vị Xuyên thông qua 05 lộ đường dây 35kV và 05 lộ đường dây 22kV.
- Trạm 110kV Bắc Quang (E22.3) 1x25MVA – 110/35/22kV cấp điện cho phụ tải các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì và Xín Mần thông qua 02 lộ đường dây 35kV và 02 lộ 22kV.
- Trạm 110kV Yên Minh (E22.7) 1x25MVA – 110/35kV cấp điện cho phụ tải các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thông qua 04 lộ đường dây 35kV.
- Trạm 110kV Bình Vàng (E22.27) 1x25MVA–110/35/6kV chủ yếu cấp điện chuyên dùng cho phụ tải KCN Bình Vàng thông qua 02 lộ đường dây 35kV, Pmax trạm năm 2014 đạt 12,2MW.
Định hướng phát triển đến năm 2020 :
- Đến năm 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 nhà máy thủy điện, duy trì hoạt động ổn định 70 nhà máy thủy điện (26 nhà máy có trước năm 2010 và 44 nhà máy hoàn thành sau năm 2010).
- Phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương với tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016 – 2020 là 14,5%/năm. Cụ thể như sau:
+ Năm 2020: Công suất cực đại Pmax = 220MW, điện thương phẩm 894 kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 là 14,5%/năm. Điện năng thương phẩm bình quân đầu người là 1.065 kWh/người/năm.
- Lưới điện 220kV:
+ Giai đoạn 2016-2020: Trạm biến áp: Xây dựng mới 01 trạm 13,8/220kV với tổng công suất 50MVA; cải tạo, mở rộng 01 trạm 220/110kV với công suất tăng thêm 125MVA. Đường dây: Xây dựng 01 đường dây 220kV với tổng chiều dài 9km.
- Lưới điện 110kV:
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng mới 07 trạm biến áp 110kV với tổng công suất 236MVA; cải tạo, mở rộng quy mô công suất 04 trạm biến áp 110kV với tổng công suất tăng thêm 135MVA. Đường dây: Xây dựng mới 10 đường dây 110kV với tổng chiều dài 58,1km; cải tạo, nâng tiết diện 1 đường dây 110kV với tổng chiều dài 54,9km.
+ Đến năm 2020 sẽ có 100% số xã, 96% số thôn, bản (điểm dân cư có quy mô ³ 20 hộ) và 85% số hộ dân cư nông thôn được sử dụng điện lưới; 100% số hộ được sử dụng điện.
Khu công nghiệp có trạm biến áp riêng. Các doanh nghiệp sử dụng điện theo nhu cầu. Giá điện theo quy định của Nhà nước.
Mạng lưới cấp thoát nước, xử lý nước thải và rác thải
Nguồn cấp nước:
- Nguồn nước ngầm: Trữ lượng tiềm năng nước ngầm của tỉnh Hà Giang tính theo trữ lượng tĩnh là 4285x106 m3/ngđ, trữ lượng động 1.113.088 m3/ngđ.
- Nguồn nước mặt: Tiềm năng nước mặt của Hà Giang tương đối lớn với tổng lượng dòng chảy cả năm đạt 5x108m3.
- Nguồn nước mưa: Tổng lượng mưa rơi trên diện tích toàn tỉnh trong một năm rất lớn, xấp xỉ: 2478mm x 7884 km2 = 20 x109 m3.
Thoát nước:
- Thoát nước mưa: Nhằm thoát nước nhanh, tránh úng ngập cục bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường, Hà Giang có Mạng lưới cống xây dựng phân tán theo địa hình tự nhiên, phân bổ đều trên toàn bộ diện tích xây dựng đô thị, tại thành phố có khoảng 100-140 m cống/ha xây dựng; tại các thị trấn có khoảng 80-100 m cống/ha xây dựng.
– Thoát nước thải :
- Nước thải sinh hoạt tại thành phố và các thị trấn phải được xử lý trước khi xả ra nguồn.
- Nước thải sinh hoạt tại các trung tâm xã và các cụm dân cư nông thôn được xử lý bằng phương pháp tự làm sạch sinh học trong các ao hồ.
- Nước thải các cụm công nghiệp (rải rác), các nhà máy được xử lý riêng ngay tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
- Nước thải các khu công nghiệp tập trung được xử lý tại trạm xử lý nước bẩn công nghiệp trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Xử lý rác thải:
+ Đối với rác thải sinh hoạt: Tổ chức thu gom chất thải rắn hợp lý tại các khu vực đô thị. Chất thải rắn sau khi thu gom và phân loại tại nguồn thải sẽ được đưa đến các khu xử lý chất thải rắn tập trung.
+ Chất thải rắn công nghiệp: Chất thải rắn công nghiệp sau khi được phân loại các chất thải không độc hại sẽ được xử lý chung với chất thải sinh hoạt hoặc chôn lấp tại chỗ, các chất thải độc hại xử lý riêng trước khi đưa đi chôn lấp.
+ Chất thải rắn y tế: Chất thải bệnh phẩm được xử lý cục bộ tại các bệnh viện, trạm xá bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao.
Mạng lưới bưu chính, viễn thông
Mạng phục vụ bưu chính hiện nay đã được phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, đáp ứng các dịch vụ bưu chính.
Mạng viễn thông phát triển mạnh với các công nghệ hiện đại tương đương các nước trong khu vực. Tất cả các xã đều có truyền dẫn quang.
Trong tỉnh có đầy đủ các mạng điện thoại di động hiện có trong nước như: Mobifone, Vinaphone, Viettel Mobile, …. Tất cả các huyện trong tỉnh đều có trạm phát sóng Mạng Internet.