Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang

Kết quả KT-XH tỉnh Hà Giang năm 2018

Kết quả KT-XH tỉnh Hà Giang năm 2018

Kết quả tổng quan thực hiện các chỉ tiêu: Tổng số 45 chỉ tiêu giao kế hoạch năm 2018, có 28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (chiếm 62,2%); 14 chỉ tiêu đạt từ 90% đến dưới 100% (chiếm 31,1%); 03 chỉ tiêu đạt dưới 85% (chiếm 6,7%).

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) (giá so sánh 2010) đạt 14.325,2 tỷ đồng, tăng 6,76% so với năm 2017; trong đó khu vực Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,06%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,53%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 6,35%, thuế sản phẩm và trợ cấp tăng 5,61%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 26,2 triệu đồng (tăng 17% tương đương 3,8 triệu đồng so với năm 2017).

Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,54% (năm 2017 là 30,86%); Công nghiệp và xây dựng chiếm 22,44% (năm 2017 là 22,48%); Thương mại - dịch vụ chiếm 47,02% (năm 2017 là 46,66%). Như vậy, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm 0,32% so với năm 2017 nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu giảm 0,86%); tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,04% so với năm 2017 (chưa đạt mục tiêu đề ra); tỷ trọng khu vực thương mại - dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao 0,36% so với năm 2017 (vượt mục tiêu đề ra).

2. Tài chính, ngân hàng

Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 ước đạt 2.108 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch, tăng 9,5% so với năm 2017 (trong đó: thu nội địa ước đạt 1.878 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 180 tỷ đồng, đạt 78,3% kế hoạch). Chi ngân sách đảm bảo đúng quy định, thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội và đáp ứng cơ bản các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 13.003 tỷ đồng, đạt 99,8% kế hoạch.

Hoạt động tiền tệ, tín dụng năm 2018 ổn định và tăng trưởng khá, lãi suất cho vay có nhiều ưu đãi đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; tổng vốn huy động tại địa phương cả năm ước đạt 10,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ; tổng đầu tư tín dụng cho nền kinh tế ước đạt 20,3 nghìn tỷ đồng, riêng trong năm 2018 tăng 2.953 tỷ đồng, đạt mức tăng 17% so với năm 2017 (đạt kế hoạch đề ra). Nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn, chiếm 0,74%/tổng dư nợ.

3. Chỉ số giá tiêu dùng

 Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh kỳ 2 tháng 11/2018 giảm 0,14% so với tháng trước, tăng 3,59% so với tháng 12 năm trước, tăng 3,83% so với cùng kỳ và tăng 5,69% so với kỳ gốc 2014. Tính chung 11 tháng của năm 2018 chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,95% so với cùng kỳ.

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng CPI trên địa bàn tỉnh kỳ 3 tháng 11 và tháng 12/2018 tiếp tục tăng, tác động tới chỉ số chung của cả năm. Do cuối năm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm, quần áo và các mặt hàng mỹ nghệ phục vụ du khách tăng cao sẽ tác động tới sự tăng giá; ngoài ra, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng và nhiên liệu thường có xu hướng tăng vào dịp cuối năm.

 4. Đầu tư, xây dựng

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước đạt 8.611,4 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2017. Trong đó, nguồn vốn do nhà nước quản lý ước đạt 2.747,4 tỷ đồng, tăng 57,32%; nguồn vốn huy động khu vực ngoài nhà nước ước đạt 5.861,2 tỷ đồng, tăng 9,88%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,8 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho XDCB là 3.898 tỷ đồng, vốn giải ngân ước đến hết năm 2018 đạt 98,8% kế hoạch, trong đó đã bố trí 322,995 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Để đảm bảo công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2018, đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công, đến nay đã thực hiện điều chỉnh 28 công trình với tổng số vốn 28,945 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 19,950 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 1,295 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu ngân sách trung ương là 7,699 tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chất lượng các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình giao thông được tăng cường, đã kịp thời phát hiện và chỉ đạo khắc phục các vi phạm.

Đã hoàn thành đưa vào sử dụng công trình cầu Yên Biên mới, giúp tăng khả năng kết nối giao thông cho thành phố Hà Giang. Một số công trình hạ tầng tiếp tục được đầu tư. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khảo sát, xây dựng phương án đầu tư đường nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào quy hoạch phát triển đường cao tốc đến năm 2030.

Công tác vận động và sử dụng vốn ODA đạt kết quả tốt, đã ký kết 03 dự án với tổng vốn 89 triệu USD; thực hiện quản lý tốt 16 chương trình, dự án. Đối với nguồn vốn phi chính phủ (NGO), đã ký kết các thỏa thuận tiếp nhận viện trợ được 06 dự án, thực hiện quản lý tốt 16 dự án và các khoản viện trợ phi dự án. Các dự án cơ bản được triển khai thực hiện theo đúng Hiệp định và văn kiện dự án được phê duyệt, góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và đời sống người dân vùng dự án và khu vực lân cận.

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp, HTX

Tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2018, có 126 doanh nghiệp và 62 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 1.308,7 tỷ đồng. Trong năm có 58 doanh nghiệp và 02 đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại; tuy nhiên vẫn có 90 doanh nghiệp và 03 đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động, 13 doanh nghiệp và 11 đơn vị trực thuộc giải thể. Lũy kế toàn tỉnh có 1.824 doanh nghiệp và 585 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập; trong đó: số doanh nghiệp hoạt động có doanh thu và nộp ngân sách nhà nước là 1.196 doanh nghiệp.

Công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục được chú trọng; một số hợp tác xã nông nghiệp phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và đã mang lại hiệu quả. Từ đầu năm đến nay có 70 HTX thành lập mới, nâng số HTX toàn tỉnh lên 622 HTX, trong đó: có 318 HTX nông – lâm – ngư nghiệp; 68 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; 79 HTX xây dựng; 10 Quỹ tín dụng nhân dân; 75 HTX thương mại; 65 HTX vận tải; 7 HTX lĩnh vực khác. Doanh thu các HTX trung bình đạt 1,3 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 25 triệu đồng/người/năm.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới

a) Sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi

Sản xuất nông nghiệp năm 2018 tương đối thuận lợi về thời tiết, giá các mặt hàng nông sản khá, các sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ tốt, cùng với sự hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách của tỉnh (Nghị quyết 209, 86) đã tạo những đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Triển khai thực hiện tốt đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số sản phẩm của tỉnh bước đầu đã có thị trường tiêu thụ ổn định; đến nay trên địa bàn tỉnh có 6 sản phẩm đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lí, nhãn hiệu tập thể, 02 sản phẩm đã có tem truy xuất nguồn gốc. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh sơ bộ đạt 175,5 nghìn ha; tổng sản lượng lương thực ước đạt 405.204,5 tấn (tăng 1,9% bằng 7.372,5 tấn so với năm 2017); giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất canh tác ước đạt 44,47 triệu đồng/ha (tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2017, thấp hơn mục tiêu đề ra 0,73 triệu đồng); tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 30,2% (tăng 1,8% so với năm 2017, thấp hơn mục tiêu đề ra 1,8%). Tổng diện tích rừng trồng mới trong năm ước đạt 6.920,6 ha, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 56,5%.

b) Xây dựng nông thôn mới; di chuyển và ổn định dân cư

- Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ước tính trong năm công nhận thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5 xã so với kế hoạch đầu năm), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 34 xã; các chương trình, kế hoạch phát triển nông thôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống của người dân khu vực nông thôn. Điển hình như Kế hoạch Mỗi huyện 1 xã, mỗi xã 1 thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp; Đề án Mỗi xã một sản phẩm “OCOP”; chương trình xây dựng nghề và làng nghề truyền thống. Hiện nay Tỉnh đang chỉ đạo huyện Bắc Quang triển khai đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa.

- Công tác quy tụ dân cư được triển khai thực hiện quyết liệt; kế hoạch giao đầu năm là 1.038 hộ, tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của các ngành, các cấp nhằm ổn định cuộc sống cho đồng bào vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ ống, lũ quét, tỉnh đã bổ sung thêm 385 hộ vào kế hoạch thực hiện năm 2018. Đến nay, đã thực hiện di chuyển được 1.116 hộ/1.423 hộ (đạt 78,4% kế hoạch), ước thực hiện cả năm đạt kế hoạch đề ra.

7. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất Công nghiệp tuy đã có sự hồi phục so với năm 2017, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn: giá cả một số vật tư đầu vào biến động thường xuyên, lãi suất tiền vay phục vụ cho sản xuất kinh doanh vẫn còn ở mức cao, sức mua thị trường giảm; tăng trưởng đầu tư mới và đầu tư mở rộng còn hạn chế, chưa có nhiều dự án đổi mới dây chuyền công nghệ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 tăng 13,8% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế ước cả năm đạt hơn 5.322,3 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2017, vượt kế hoạch 6%. Trong năm đã đưa vào sử dụng thêm 02 công trình thủy điện Sông Lô 2 và Nậm Mạ 1. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện 13 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 1,275 tỷ đồng.

8. Thương mại, dịch vụ

Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh cả khu vực thành thị và nông thôn, hàng hóa đa dạng, phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; công tác kiểm soát hàng hóa được tăng cường, không có tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá hàng hóa đột xuất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt trên 9.563,3 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 13,4% so với năm 2017. Công tác cải cách hành chính các thủ tục hải quan cũng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chưa đạt kỳ vọng đề ra, ước cả năm đạt 405 triệu USD, giảm 10,1% so với năm 2017 và đạt 54% kế hoạch.

Phát triển du lịch tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm, hạ tầng phục vụ du lịch tiếp tục được đầu tư; các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Lượng khách du lịch ước cả năm đạt 1,1 triệu lượt, tăng 7,5% so với năm 2017. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 1.150 tỷ đồng. Phối hợp xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Hà Giang.

Công tác vận tải hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, đi lại của nhân dân. Doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách ước đạt 546,7 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2017.

9. Lĩnh vực văn hóa – xã hội

a) Giáo dục – đào tạo: Sự nghiệp giáo dục - đào tạo cơ hoàn thành bản các nhiệm vụ trọng tâm; quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục ở các ngành học, cấp học ổn định và tiến bộ. Năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 89,71%. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được chú trọng thực hiện; tính đến hết tháng 10, đã tổ chức công nhận 04 trường đạt chuẩn, nâng tổng số trường đạt chuẩn toàn tỉnh lên 184 trường, tỷ lệ 29,4%; ước thực hiện đến hết năm hoàn thành công nhận 18 trường theo kế hoạch, nâng số trường đạt chuẩn lên 198 trường, đạt 31,6%. Trong năm đã tổ chức các đoàn học sinh tham dự các kỳ thi quốc gia, quốc tế, kết quả: Có 01 giải ba, 01 giải khuyến khích tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông năm 2018; đặc biệt có 01 huy chương vàng cấp trung học cơ sở tại Cuộc thi Olympic toán Châu Á Thái Bình Dương tại Singapore.

b) Y tế: Mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến tiếp tục được củng cố, toàn tỉnh hiện có 10,5 bác sỹ/vạn dân, 32,6 giường bệnh/vạn dân; công tác khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt 98,5%. Tỷ lệ tăng dân số ước cả năm 1,49% (giảm 0,04% so với năm 2017). Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm, ngành chức năng, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra về an toàn vệ sinh thực phẩm; từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 7.246 cơ sở, kết quả có 6.134 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (tỷ lệ 84,6%). Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 191 người mắc, 03 người tử vong.

c) Văn hoá, thể thao; thông tin, truyền thông

- Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh diễn ra sôi nổi. Công tác bảo tồn di tích, di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm thực hiện, trong năm có 03 danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia, 03 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua kỳ Tái thẩm định, tiếp tục được trao danh hiệu của UNESCO nhiệm kỳ năm 2018-2022. Tổ chức thành công giải marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh Phúc” tỉnh Hà Giang năm 2018 và Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hà Giang lần thứ VIII năm 2018.

 - Hệ thống bưu chính viễn thông phát triển mạnh; hoạt động báo chí, xuất bản được quản lý chặt chẽ, có nhiều đổi mới. Chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình ngày càng nâng cao. Triển khai xây dựng Đề án Đô thị thông minh Thành phố Hà Giang.

d) Công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo

- Công tác giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện với các hoạt động như: Tổ chức hội chợ việc làm tại các huyện; giới thiệu và tổ chức xuất khẩu lao động địa phương đi làm việc tại các tỉnh bạn và nước ngoài; hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm... Ước đến cuối năm 2018, giải quyết việc làm cho 19.784 người, vượt kế hoạch đề ra. Công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số huyện đã xây dựng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm ngay tại địa phương.

- Chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng chính sách. Các chính sách dân tộc được quan tâm chỉ đạo đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bản sắc văn hóa các dân tộc được duy trì và phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được nâng cao. Triển khai thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đã phê duyệt danh sách với 1.972 người có uy tín trong năm 2018. Tổ chức đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh tham dự buổi gặp mặt với Ủy ban Dân tộc tại Hà Nội; có 05 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được tôn vinh trong chương trình “Điểm tựa bản làng” do Trung ương tổ chức.

- Công tác giảm nghèo được quan tâm chú trọng; các chính sách và dự án giảm nghèo được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện. Năm 2018, toàn tỉnh giảm được 8.696 hộ nghèo, giảm 5,43% (vượt kế hoạch đề ra), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 28,75%.

10. Khoa học công nghệ và tài nguyên môi trường

- Công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đến nay đã xây dựng được một số nhãn hiệu hàng hóa như rượu ngô Mê Cung, chè Chốt, dầu ăn 3H, Trà Tây Côn Lĩnh... Triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực khoa học công nghệ, hướng dẫn 02 doanh nghiệp các bước làm thủ tục thành lập và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Phối hợp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright hoàn thành nghiên cứu 05 chuyền đề thực hiện Tái cơ cấu kinh tế của tỉnh và trình BCH Đảng bộ Tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 7/9/2018 về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh đến năm 2030, thành lập Ban chỉ đạo và các nhóm hành động để tiếp tục triển khai các kết quả nghiên cứu. Đồng thời đã ban hành chương trình hành động của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU.

- Lĩnh vực quản lý đất đai được tăng cường, đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020); hoàn thành lập đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; ban hành các kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Triển khai đo đạc lập bản đồ địa chính tại các địa phương theo đúng kế hoạch; đã đo đạc bản đồ địa chính theo Chỉ thị 1474/2011/CT-TTg được 84 xã trên địa bàn 08 huyện; thực  hiện lập hồ sơ, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính được 60 xã. Ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra hoạt động khoáng sản gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, xử lý các đơn vị lợi dụng việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án xây dựng nông thôn mới vi phạm quy định pháp luật.

11. Tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KTXH theo các Nghị quyết HĐND tỉnh

- Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa (Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015; Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017), tổng vốn giải ngân 613.292,5 triệu đồng cho 7.038 hộ chiếm 94% số hộ đủ điều kiện vay vốn; một số hộ vay thực hiện thâm canh chè, cam theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi ong; làm chuồng trại và xử lý chất thải; xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản dược liệu... đã tác động nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao tỷ trọng ngành nông nghiệp của Tỉnh.

- Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu (Nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015; Nghị quyết số 120/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017), đã thực hiện hỗ trợ ưu đãi tiền thuê đất cho 06 doanh nghiệp; hỗ trợ vay vốn đầu tư kho bãi cho 01 doanh nghiệp.

- Chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND ngày 21/7/2016), đã thực hiện hỗ trợ 01 dự án đầu tư xây dựng nhà hàng đạt chuẩn; hỗ trợ xử lý chất thải rắn và xây dựng nhà vệ sinh công cộng 01 dự án; hỗ trợ hộ dân làm homestay với số tiền 6.230 triệu đồng (60 triệu đồng/hộ) tại các huyện, thành phố; hỗ trợ lãi xuất tiền vay cho 01 hợp tác xã du lịch đồng quê (thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang) với số tiền là 20 triệu đồng.