Tình hình KT - XH tháng 11 tỉnh Hà Giang năm 2019
1. Sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển nông thôn
a) Sản xuất nông, lâm nghiệp
Trong tháng các địa phương cơ bản thu hoạch xong diện tích vụ Mùa, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa đạt 113.860 ha, giảm 0,03% so với vụ Mùa năm trước; Sản lượng lương thực vụ Mùa 2019 đạt 271.892 tấn, tăng 735 tấn so với vụ Mùa năm trước. Ngay sau khi thu hoạch xong diện tích cây trồng vụ Mùa, các địa phương tích cực triển khai các cây trồng vụ Đông 2019-2020; đã tiến hành cầy ải được 1.430 ha; bừa được 1.030 ha. Ngoài ra tập trung thu hoạch cam quýt; sản lượng cam thu hoạch trong tháng ước đạt 9.050 tấn, lũy kế từ đầu vụ đến nay đã thu hoạch được 10.650 tấn. Sản lượng chè thu hái trong tháng ước đạt 3.355 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 72.912 tấn.
Công tác phòng chống dịch bệnh chăn nuôi được tăng cường; tổ chức tiêm phòng được 126.688 lượt con gia súc và 3.180 lượt con gia cầm; lũy kế tiêm phòng được 1,33 triệu lượt con gia súc và 29,1 nghìn lượt con gia cầm. Tuy nhiên, trong tháng xuất hiện bệnh tụ huyết trùng lợn xảy ra với 15 con mắc bệnh, có 13 con bị chết. Tăng cường công tác chỉ đạo trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; trong tháng phẩn bổ 7.300 lít hóa chất để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường. Tính đến ngày 25/11/2019, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 12.480 con, trọng lượng 514,7 tấn. Dịch đã xuất hiện tại 89 xã trên địa bàn tỉnh; trong đó có 50 xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch (20 xã đã thực hiện công bố hết dịch; 30 xã chưa làm thủ tục công bố hết dịch); 39 xã vẫn còn dịch (trong đó có 18 xã đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh dịch). Đã thực hiện hỗ trợ 3.531,1 triệu đồng cho các hộ dân có lợn mắc dịch phải tiêu hủy; có 211 hộ thực hiện chuyển đổi chăn nuôi và tái đàn được 13.194 con.
Trong tháng, không phát sinh trồng rừng theo kế hoạch đã giao; lũy kế đã trồng được 1.162,4 ha, đạt 74,8% kế hoạch. Ngoài ra, nhân dân tự trồng sau khai thác được 137 ha; lũy kế trồng được 5.131,9 ha. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra liên ngành công tác bảo vệ rừng, đã phát hiện 18 vụ vi phạm luật lâm nghiệp. Các lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý các vụ việc theo đúng quy định. Khối lượng gỗ khai thác trong tháng đạt 1.936 m3.
b) Chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác quy tụ dân cư
Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới: Các địa phương đang tiến hành lập hồ sơ thẩm tra đối với 05 huyện phấn đấu hoàn thành trong năm 2019( có 04 xã đã đạt 19/19 tiêu chí). Tích cực triển khai công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đã làm được 80 km đường bê tông các loại; mở mới 17,8 km đường đất đá; nâng cấp 82 km đường giao thông các loại; cải tạo, xây dựng 46 phòng học; chung sức xây dựng NTM được 5,889 tỷ đồng; quyên góp hỗ trợ xây dựng NTM 1,8 tỷ đồng; nhân dân hiến 30.235 m2 đất; đóng góp 29.185 ngày công. Kết quả thực hiện nâng tiêu chí NTM năm 2019, đến ngày 20/11/2019 tổng số tiêu chí đạt được là 2.143 tiêu chí, tăng 93 tiêu chí so với tháng trước. Hoàn thành thẩm tra đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận Thành phố Hà Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Về bố trí dân cư: Đã hoàn thành quy tụ đối với 3.269 hộ được giao, đạt 100% kế hoạch. Tiếp tục triển khai thực hiện đối với 85 hộ giao bổ sung; đến nay đã thực hiện được 65 hộ, đạt 76,4%.
2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng có phần giảm sút do đã bước sang mùa khô. Hoạt động sản xuất và phần phối điện, nước có sản lượng đạt thấp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 giảm 21,83% so với tháng trước; tuy nhiên vẫn tăng 7,22% so với cùng kỳ; tính chung 11 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,92% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11/2019 (theo giá so sánh) ước 263,8 tỷ đồng, giảm 17,41% so tháng trước và tăng 11,34% so với cùng kỳ. Theo giá thực tế ước đạt 475,7 tỷ đồng, giảm 16,56% so với tháng trước và tăng 12,04% so với cùng kỳ; lũy kế 11 tháng ước đạt 5.674,5 tỷ đồng, tăng 10,09% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước như: Quặng sắt và tinh sắt đã nung kết; đá xây dựng; ván ép; sản phẩm in; bê tông trộn sẵn... Bên cạnh đó cũng có những sản phẩm giảm như bột giấy, điện sản xuất...
3. Về thực hiện vốn đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt 214,6 tỷ đồng, tăng 3,16% so với tháng trước và tăng 44,60% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đạt 1.746 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Giá trị thực hiện vốn đầu tư chủ yếu tập trung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, ưu tiên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến ngày 20/11/2019, giải ngân các nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 (bao gồm cả nguồn vốn được phép kéo dài) được 2.003,9 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch; trong đó: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách 577 tỷ đồng, đạt 83,4% kế hoạch; Vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất 32 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch; Vốn đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết 9,9 tỷ đồng, đạt 47,1% kế hoạch; Vốn ngân sách trung ương bổ sung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, đầu tư theo lĩnh vực 954 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch; Vốn chuyển nguồn 2018 sang 2019 đạt 431 tỷ đồng, đạt 41,1% kế hoạch.
4. Tài chính, tín dụng
a) Về thu – chi ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng đạt 1.021 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 14.701,8 tỷ đồng. Trong đó, thu NSNN trên địa bàn tháng 11 ước đạt 293,5 tỷ đồng (thu từ thuế và phí ước đạt 270 tỷ đồng), lũy kế 11 tháng đạt 1.945 tỷ đồng, đạt 88,4% kế hoạch tỉnh giao (thu từ thuế và phí 11 tháng ước đạt 1.641,6 tỷ đồng). Chi ngân sách đạt 1.513,8 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 12.359,2 tỷ đồng, đạt 81,3% kế hoạch.
b) Về hoạt động tín dụng: Tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 11 ước đạt 22.409 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 11.622 tỷ đồng. Tổng đầu tư tín dụng cho nền kinh tế ước đạt 21.311 tỷ đồng, tăng 290 tỷ đồng so với tháng trước. Tình hình dư nợ một số chương trình tín dụng như sau:
- Cho vay nông nghiệp, nông thôn: Dư nợ đạt 13.516 tỷ đồng; so với tháng trước tăng 81 tỷ đồng; so với cuối năm 2018 tăng 638 tỷ đồng. Trong đó: Thực hiện thu hồi các khoản cho vay theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và 86/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được 18 tỷ đồng, dư nợ còn lại 443 tỷ đồng; Dư nợ cho vay theo Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND ước đạt 15,2 tỷ đồng.
- Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: Dư nợ 3.286 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu.
- Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất; tổng dư nợ của ngân hàng đạt 2.877 tỷ đồng, giảm 05 tỷ đồng so với tháng trước, tăng 226 tỷ đồng so với cuối năm 2018.
5. Thương mại, dịch vụ và du lịch
Hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng có nhiều chuyển biến tích cực so với tháng trước. Giá cả một số mặt hàng biến động như giá thịt lợn tăng cao, giá xăng điều chỉnh tăng song không làm ảnh hưởng đến sức mua sắm và tiêu dùng của nhân dân. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được tổ chức tốt, như: Hội chợ cam và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang, khai trương Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang… Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 11 ước đạt 780,4 tỷ đồng, tăng 12,13% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng đầu năm 2019 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.543,6 tỷ đồng, tăng 14,58% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hoá qua cửa khẩu trên địa bàn ước đạt 30,5 triệu USD, tăng 25,5% so với tháng trước, tương đương so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến tháng báo cáo ước đạt 321,3 triệu USD, đạt 58,4% kế hoạch năm. Hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách diễn ra sôi động; công tác kiểm ra, giám sát các hoạt động vận tải, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trong dịp lễ hội được tăng cường; doanh thu vận tải trong tháng ước đạt 56,9 tỷ đồng.
Về du lịch, đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ V; Hội thảo quốc gia “Liên kết vùng trong chiến lược thúc đẩy kinh tế du lịch tỉnh Hà Giang và các tỉnh Đông - Tây Bắc, Việt Nam”. Thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú, ăn uống; đảm bảo ổn định giá cả và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch nhằm để lại ấn tượng tốt về du lịch Hà Giang trong lòng du khách. Trong tháng, lượng khách du lịch đến với Hà Giang tăng cao, đạt 138.362 lượt, trong đó khách quốc tế là 16.083 lượt. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 138 tỷ đồng.
6. Phát triển DN, HTX và thu hút đầu tư
- Trong tháng, có 12 doanh nghiệp và 32 đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 118,3 tỷ đồng, 03 doanh nghiệp hoạt động trở lại; tuy nhiên, có 05 doanh nghiệp và 03 đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động; 02 doanh nghiệp và 03 đơn vị trực thuộc giải thể. Lũy kế từ đầu năm, có 165 doanh nghiệp và 100 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 1.443,8 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh có 1.899 doanh nghiệp và 582 đơn vị trực thuộc. Duy trì vận hành hiệu quả Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh, Chương trình Cà phê doanh nhân vào sáng thứ Hai hàng tuần để gặp gỡ, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Trong tháng, có 17 HTX thành lập mới; lũy kế 11 tháng có 66 HTX thành lập mới; nâng số HTX trên địa bàn tỉnh lên 633 HTX, trong đó: 357 HTX nông – lâm – ngư nghiệp; 66 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 92 HTX xây dựng; 10 Quỹ tín dụng nhân dân; 82 HTX thương mại - dịch vụ; 42HTX vận tải;34 HTX lĩnh vực khác.
- Trong tháng đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 05 dự án, tổng vốn đầu tư 19,87 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 dự án, tổng vốn trên 4.263 tỷ đồng (trong đó: 09 dự án lĩnh vực thủy điện với tổng vốn gần 2.567 tỷ đồng; 11 dự án lĩnh vực khoáng sản với tổng vốn trên 70 tỷ đồng; 01 dự án lĩnh vực dược liệu với tổng vốn trên 11 tỷ đồng; 09 lĩnh vực du lịch, thương mại với tổng vốn gần 1.552 tỷ đồng; 05 dự án lĩnh vực khác với tổng vốn trên 63 tỷ đồng). Tiếp tục hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư. Hoàn thiện hồ sơ, tổ chức khởi công dự án Khu thương mại nhà ở Shophouse của tập đoàn VinGroup.
7. Về quản lý tài nguyên - môi trường; hoạt động khoa học - công nghệ
- Thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất với 05 hồ sơ, dự án với tổng diện tích 8.748,3 m2. Xác định giá đất cụ thể tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đối với 06 hồ sơ; xác định giá đất cụ thể đấu giá quyền sử dụng đất đối với 01 hồ sơ. Hoàn thành xây dựng Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 và đăng ký danh mục dự án sử dụng đất, dự kiến trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 11, khóa XVII. Hoàn thành thanh tra 20 doanh nghiệp về nâng cao năng lực quản lý đất đai. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường, đã cấp giấy phép khai thác 01 điểm mỏ; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 06 điểm mỏ. Kiểm tra nghiệm thu cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa công trình thủy điện Sông Chảy 3 huyện Hoàng Su Phì.
- Tổ chức thành công lễ khánh thành và đưa vào sử dụng 03 Trạm bơm nước không dùng điện tại huyện Đồng Văn. Tổ chức thẩm định cấp tỉnh 02 đề tài, dự án; thẩm định cấp cơ sở 01 dự án. Tổ chức lớp tập huấn Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ tại Hà Giang cho trên 60 học viên. Thực hiện cấp 01 giấy phép tiến hành công việc bức xạ; thẩm định công nghệ 02 dự án đầu tư. Kiểm định 668 phương tiện đo các loại, cấp giấy chứng nhận cho 632 phương tiện đo đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường, đạt 94,6%. Tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống và phát triển các loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh Hà Giang”; đã thực hiện thu hoạch trên 60% diện tích cây Xuyên Khung và 1.320 m² Hoàng Kỳ.