Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang

Tình hình KT-XH tỉnh Hà Giang tháng 01/2020

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 01/2020

1. Sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển nông thôn

a) Sản xuất nông, lâm nghiệp

Trong tháng các địa phương tiếp tục chăm sóc và tiến hành thu hoạch các cây màu vụ Đông năm 2019-2020. Tính đến nay đã tiến hành thu hoạch được 486ha ngô, đạt 42,1% diện tích; năng suất ước đạt 28,58 tạ/ha và đồng thời thu hoạch các cây rau, đậu trong vụ. Vụ Đông được sản xuất trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không xảy ra rét đậm, rét hại nên diện tích, năng suất các cây trồng ước tính đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, các địa phương tập trung làm đất, đổ ải, gieo trồng vụ Xuân; đã cầy ải được 12.730 ha, bừa 9.160 ha, tổng số mạ đã gieo ước đạt 215 tấn, cây ngô đã trồng 775 ha, rau đậu đã trồng được 1.523 ha.

Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, riêng chăn nuôi lợn vẫn gặp khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi chưa được khống chế triệt để. Tính đến ngày 20/01/2020, lũy kế toàn tỉnh số lợn chết và tiêu hủy là 13.286 con, trọng lượng 545,8 tấn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 83/92 xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch. Tỉnh đã cấp trên 14,7 tỷ đồng và đã chi trả 8,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ dân có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy; hiện có 229 hộ đã thực hiện chuyển đổi chăn nuôi và tái đàn.

Về lâm nghiệp, trong tháng đã khai thác lâm sản được 1.512 m3 gỗ; đã ban hành kế hoạch và triển khai Tết trồng cây Xuân Canh Tý năm 2020; đã chuẩn bị được 166.174 cây các loại để thực hiện trồng trong dịp Tết trồng cây. Công tác tuần tra, phát hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường; đã phát hiện 25 vụ và xử lý 20/25 vụ.

b) Chương trình xây dựng nông thôn mới

Hoàn thành công nhận 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, đạt 100% kế hoạch. Thực hiện rà soát các tiêu chí, xây dựng giải pháp và nhu cầu kinh phí để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2020 đối với 05 xã theo kế hoạch. Xây dựng Kế hoạch thực hiện thôn nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và Kế hoạch thực hiện tăng tiêu chí nông thôn mới năm 2020.

2. Sản xuất công nghiệp

Trong tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên hầu hết các hoạt động sản xuất công nghiệp có chỉ số giảm so với tháng 12/2019 và giảm so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 giảm 8,53% so với tháng trước, giảm 25,81% so với cùng kỳ; trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22,34% so với tháng trước và giảm 14,88% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện nước, khí đốt giảm 8,89% so với tháng trước và giảm 45,77% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,38% so với tháng trước và tăng 8,84% so với cùng kỳ; riêng công nghiệp khai khoáng tăng 32,99% so với tháng trước và tăng 47,93% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 01/2020 (theo giá so sánh) ước đạt 197,1 tỷ đồng, giảm 8,17% so tháng trước và giảm 21,23% so với cùng kỳ; theo giá thực tế, ước đạt 326,1 tỷ đồng, giảm 4,85% so với tháng trước và giảm 19,10% so với cùng kỳ.

3. Về thực hiện vốn đầu tư

Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt 123,1 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019. Công tác thi công các công trình trọng điểm được gấp rút hoàn thành; các công trình, dự án cấp huyện, cấp xã được khẩn trương hoàn thiện để nghiệm thu trước Tết Nguyên đán. Giá trị thực hiện vốn đầu tư chủ yếu tập trung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Về giải ngân các nguồn vốn năm 2019 (bao gồm cả nguồn vốn được phép kéo dài), tính đến ngày 20/01/2020 giải ngân được 4.055,44 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch. Đối với nguồn vốn năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt 18% kế hoạch giao.

4. Tài chính, tín dụng

a) Về thu – chi ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.128 tỷ đồng (điều tiết về NSTW 35 tỷ đồng; NSĐP hưởng 1.093 tỷ đồng); trong đó, thu NSNN trên địa bàn đạt 183 tỷ đồng, đạt 7,3% kế hoạch (thu nội địa 165 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 18 tỷ đồng). Chi ngân sách địa phương ước đạt 1.003 tỷ đồng, đạt 7% kế hoạch.

b) Về hoạt động tín dụng: Triển khai các biện pháp bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt tại các điểm giao dịch và ATM, đảm bảo hoạt động thông suốt khi nhu cầu rút tiền lớn tập trung vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/01/2020 ước đạt 22.842 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 12.457 tỷ đồng, so với thời điểm 31/12/2019 tăng 186 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 21.697 tỷ đồng, so với 31/12/2019 giảm 38 tỷ đồng. Tình hình dư nợ một số chương trình tín dụng như sau:

- Cho vay nông nghiệp, nông thôn: Dư nợ đạt 13.745 tỷ đồng; so với 31/12/2019 tăng 79 tỷ đồng. Trong đó: Thực hiện thu hồi các khoản cho vay theo Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được 13 tỷ đồng, dư nợ còn lại 405 tỷ đồng, nợ xấu 0,338 tỷ đồng/08 khách hàng; Dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND đạt 35 tỷ đồng (chương trình dừng thực hiện từ ngày 01/01/2020 và đang trong thời gian thu hồi vốn).

- Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: Dư nợ 3.330 tỷ đồng, tăng 04 tỷ đồng so với 31/12/2019

- Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:  Dư nợ 1.568 tỷ đồng, giảm 25 tỷ đồng so với 31/12/2019.

- Cho vay khởi nghiệp: Dư nợ đạt 365 tỷ đồng/1.890 khách hàng, tăng 06 tỷ đồng so với 31/12/2019.

- Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất; Dư nợ đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 05 tỷ đồng so với 31/12/2019.

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng là 145,2 tỷ đồng, chiếm 0,67%/tổng dư nợ (tăng 1,3 tỷ đồng so với 31/12/2019).

5. Thương mại, dịch vụ và du lịch

Thị trường hàng hóa diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ phục vụ Tết tăng đáng kể. Giá thịt lợn đã được bình ổn và có xu hướng giảm nhẹ so với những tháng cuối năm 2019. Công tác kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh được tăng cường. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 01/2020 ước đạt 1.098,5 tỷ đồng, tăng 4,79% so với tháng trước, tăng 17,61% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 01/2020 tăng 1,29% so với tháng trước, tăng 7,03% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hoá qua cửa khẩu trên địa bàn ước đạt 57,44 triệu USD, tăng 50,37% so với tháng trước, tăng 33,27% so với cùng kỳ; trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,12 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,32 triệu USD.

Nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, hành khách của người dân trên địa bàn tăng cao trong tháng. Doanh thu vận tải ước đạt 60,3 tỷ đồng, tăng 3,04% so với tháng trước, tăng 16,42% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu vận tải hành khách 21,7 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hoá 37,6 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ bốc xếp 01 tỷ đồng.

Về du lịch, tổ chức thành công lễ đón những vị khách du lịch đầu tiên đến tỉnh Hà Giang; Chỉ đạo các cơ sở lưu trú đảm bảo các hoạt động phục vụ du khách trong dịp Tết Nguyên đán; thường xuyên kiểm tra, duy trì đường dây nóng để phục vụ du khách, hạn chế trường hợp tăng giá, ép giá. Lượng khách du lịch trong tháng đạt 132.145 lượt, trong đó khách nội địa 114.953 lượt, quốc tế là 17.192 lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 140 tỷ đồng. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán, Hà Giang đón khoảng 45.000 lượt du khách (trong đó khách nội địa 42.000, khách quốc tế khoảng 3.000 lượt), tổng doanh thu khoảng 50 tỷ đồng.

6. Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và thu hút đầu tư

- Trong tháng, có 06 doanh nghiệp và 09 đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 16,8 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh có 1.898 doanh nghiệp và 603 đơn vị trực thuộc (không bao gồm các doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đã giải thể). Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; xây dựng Kế hoạch hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh năm 2020. Tiếp tục triển khai chương trình Cà phê doanh nhân. Về hợp tác xã, có 03 HTX thành lập mới; nâng số HTX trên địa bàn tỉnh lên 686 HTX, trong đó có: 359 HTX nông - lâm - ngư nghiệp; 67 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 92 HTX xây dựng; 10 Quỹ tín dụng nhân dân; 82 HTX thương mại - dịch vụ; 42HTX vận tải; 34 HTX lĩnh vực khác.

- Đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 01 dự án lĩnh vực khoáng sản, tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 02 dự án; thông báo chấm dứt hoạt động 01 dự án. Hỗ trợ các nhà đầu tư rà soát, cập nhật trình tự, thủ tục đầu tư dự án, đánh giá năng lực tài chính đối với dự án Bệnh viện liên doanh phục hồi chức năng Nhật Việt; khảo sát khu vực dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo, thành phố Hà Giang.

7. Về quản lý tài nguyên - môi trường; hoạt động khoa học - công nghệ

- Thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất cho 03 hồ sơ với tổng diện tích 10,47 ha. Hoàn thành công tác xây dựng bảng giá đất chi tiết giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; xây dựng Kế hoạch sử dụng đất năm 2020, Kế hoạch xác định giá đất cụ thể khi nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án trong năm 2020 và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các ngành chức năng. Phê duyệt giá đất cụ thể tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án cho 25 hồ sơ; giá đất cụ thể đấu giá quyền sử dụng đất cho 01 hồ sơ. Phê duyệt 03 đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, 01 hồ sơ đăng ký khu vực khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án xây dựng công trình thủy điện. Ban hành Chỉ thị về siết chặt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức thẩm định Dự án Xây dựng mô hình nuôi cá chiên thương phẩm tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang; nghiệm thu dự án Tiếp nhận công nghệ trồng dưa vân lưới, dưa lê Hàn Quốc, cà chua Cherry trong nhà màng tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Cấp 03 giấy phép tiến hành công việc bức xạ. Thẩm định về công nghệ cho 04 dự án đầu tư. Ứng dụng chất liệu decal vỡ cho 340.000 tem thông minh truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm Cam, Chè Shan tuyết, Mật ong bạc hà tham gia Tuần lễ Cam tại Hà Nội và tiêu thụ tại chuỗi siêu thị Vinmart. Tổ chức thanh tra xăng dầu trên địa bàn 06 huyện, thành phố.

8. Giao thông  - Xây dựng

- Làm tốt công tác bảo trì đường bộ, thường xuyên kiểm tra các tuyến đường, công trình cầu đảm bảo giao thông thông suốt cho các phương tiện tham gia giao thông. Tăng cường công tác đăng kiểm xe cơ giới, đã tổ chức kiểm định 1.423 xe; số lượng đạt tiêu chuẩn 1.218 xe, số lượng không đạt tiêu chuẩn 205 xe. Triển khai 04 cuộc kiểm tra trách nhiệm bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thực hiện 04 cuộc kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe lưu động, đã thực hiện kiểm tra đối với 173 lượt phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính 35 trường hợp.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa 08 công trình vào sử dụng. Tiếp tục rà soát, kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thành phố. Thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Phú Hưng; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030; Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Quang.